Gần 39 triệu USD nhằm tăng cường sử dụng gạch không nung
(TTXVN/VIETNAM+) LÚC : 19/09/14 20:35
http://www.vietnamplus.vn/gan-39-trieu-usd-nham-tang-cuong-su-dung-gach-khong-nung/282106.vnp
Vận chuyển sản phẩm gạch không nung. (Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN)
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt danh mục Dự án “Tăng cường sản xuất và sử dụng gạch không nung ở Việt Nam” do Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tài trợ không hoàn lại từ nguồn viện trợ của Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF).
Dự án trên được thực hiện trên toàn quốc trong 5 năm với tổng hạn mức vốn là 38,88 triệu USD; trong đó, vốn ODA do GEF viện trợ không hoàn lại thông qua UNDP là 2,8 triệu USD.
Kết quả chính của dự án là ban hành chính sách khuyến khích sản xuất và sử dụng gạch không nung; tăng cường năng lực và kiến thức cho cơ quan chính phủ trong việc điều tiết phát triển sản xuất và sử dụng gạch không nung; gia tăng số lượng các nhà cung cấp dịch vụ và cung ứng gạch không nung ở địa phương có năng lực chuyên môn và tay nghề kỹ thuật được nâng cao đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Đồng thời, dự án giúp các nhà đầu tư tiềm năng và doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận được nhiều hơn và bền vững hơn các nguồn tài chính để đầu tư các nhà máy sản xuất gạch không nung và chế tạo thiết bị sản xuất gạch không nung; tăng lòng tin của các định chế tài chính, các nhà đầu tư sản xuất gạch không nung và các cơ quan quản lý vào tính khả thi về mặt kỹ thuật và tài chính, lợi ích kinh tế môi trường của việc sản xuất gạch không nung; tăng thị phần của gạch không nung trong thị trường gạch xây dựng nói chung.
Mục tiêu của dự án là cắt giảm tỷ lệ tăng hàng năm mức phát thải khí nhà kính bằng cách giảm dần việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch và đất màu để làm gạch thông qua việc tăng cường sản xuất, mua bán và sử dụng gạch không nung ở Việt Nam.
Mức phát thải khí nhà kính trực tiếp ước tính là 383 ktonnes CO2. Mức giảm phát thải khí nhà kính gián tiếp ước tính đạt 13.409 ktonnes CO2 được tích lũy trong vòng 10 năm sau khi dự án kết thúc./.
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1686/QĐ-TTg |
Hà Nội, ngày 19 tháng 09 năm 2014 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT DANH MỤC DỰ ÁN DO CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN CỦA LIÊN HỢP QUỐC (UNDP) TÀI TRỢ
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Nghị định số 38/2013/NĐ-CP ngày 23 tháng 4 năm 2013 của Chính phủ về quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ;
Xét đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 5648/BKHĐT-KTĐN ngày 26 tháng 8 năm 2014,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt danh mục Dự án “Tăng cường sản xuất và sử dụng gạch không nung ở Việt Nam” do UNDP tài trợ không hoàn lại từ nguồn viện trợ của Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF) với các nội dung chính sau:
1. Cơ quan chủ quản Dự án: Bộ Khoa học và Công nghệ.
Chủ Dự án: Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế kỹ thuật.
Cơ quan đồng thực hiện: Bộ Xây dựng.
2. Mục tiêu của Dự án: Cắt giảm tỷ lệ tăng hàng năm mức phát thải khí nhà kính bằng cách giảm dần việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch và đất màu để làm gạch thông qua việc tăng cường sản xuất, mua bán và sử dụng gạch không nung ở Việt Nam. Mức phát thải khí nhà kính trực tiếp ước tính là 383 ktonnes CO2. Mức giảm phát thải khí nhà kính gián tiếp ước tính đạt 13.409 ktonnes CO2 được tích lũy trong vòng 10 năm sau khi dự án kết thúc.
3. Các kết quả chính của Dự án:
a) Ban hành chính sách khuyến khích sản xuất và sử dụng gạch không nung; Tăng cường năng lực và kiến thức cho cơ quan chính phủ trong việc điều tiết phát triển sản xuất và sử dụng gạch không nung.
b) Gia tăng số lượng các nhà cung cấp dịch vụ và cung ứng gạch không nung ở địa phương có năng lực chuyên môn và tay nghề kỹ thuật được nâng cao đạt tiêu chuẩn quốc tế.
c) Các nhà đầu tư tiềm năng và doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận được nhiều hơn và bền vững hơn các nguồn tài chính để đầu tư các nhà máy sản xuất gạch không nung và chế tạo thiết bị sản xuất gạch không nung.
d) Tăng lòng tin của các định chế tài chính, các nhà đầu tư sản xuất gạch không nung và các cơ quan quản lý vào tính khả thi về mặt kỹ thuật và tài chính, lợi ích kinh tế môi trường của việc sản xuất gạch không nung.
đ) Tăng thị phần của gạch không nung trong thị trường gạch xây dựng nói chung.
4. Thời gian thực hiện: 5 năm kể từ khi Dự án được phê duyệt
Địa bàn thực hiện: Toàn quốc
5. Tổng hạn mức vốn của Dự án: 38.880.000 USD
a) Vốn ODA do GEF viện trợ không hoàn lại thông qua UNDP: 2.800.000 USD.
b) Vốn đối ứng bằng tiền mặt của Bộ Khoa học và Công nghệ: 140.000 USD tương đương 2,940 tỷ đồng.
c) Vốn đồng tài trợ:
- Vốn đồng tài trợ bằng hiện vật từ cơ quan phối hợp thực hiện của Việt Nam tương đương 10.190.000 USD, trong đó:
+ Bộ Khoa học và Công nghệ: 2.860.000 USD
+ Bộ Xây dựng: 1.000.000 USD
+ Sở Xây dựng tỉnh Hải Dương: 220.000 USD
+ Các doanh nghiệp tư nhân: 3.000.000 USD
+ Tổng Công ty gốm - sứ xây dựng Việt Nam (VIGLACERA): 3.000.000 USD
+ Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam: 110.000 USD
- Vốn đồng tài trợ bằng hiện vật từ UNDP: 550.000 USD
- Vốn đồng tài trợ từ các định chế tài chính là 25.200.000 USD, trong đó:
+ Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam (VEPF) (vốn vay ưu đãi): 3.000.000 USD
+ Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia (NAFOSTED) (bảo lãnh vay vốn): 1.000.000 USD
+ Ngân hàng Thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam (VIETINBANK) (vốn vay thương mại): 21.200.000 USD
6. Nguồn và cơ chế tài chính trong nước:
- Đối với vốn ODA: cấp phát 100% từ ngân sách trung ương.
- Vốn đối ứng bằng tiền mặt do cơ quan chủ quản tự bố trí theo quy định của Luật ngân sách nhà nước.
- Vốn đồng tài trợ bằng hiện vật do các bên liên quan đóng góp thông qua các chương trình, dự án đang triển khai tại Việt Nam. Vốn đồng tài trợ này không cung cấp trực tiếp cho Dự án trên.
Điều 2. Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Văn phòng UNDP tại Việt Nam và các cơ quan liên quan xây dựng, phê duyệt, ký Kế hoạch hoạt động hàng năm và triển khai thực hiện Dự án theo đúng các quy định hiện hành, bảo đảm sử dụng viện trợ ODA hiệu quả, Dự án đạt mục tiêu đề ra.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Bộ trưởng các Bộ: Khoa học và Công nghệ, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Công Thương, Ngoại giao và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Nơi nhận: |
KT. THỦ TƯỚNG |
Giới thiệu về Chương trình tài trợ các dự án nhỏ Quỹ môi trường toàn cầu tại Việt Nam |
|
Nhận thức được vai trò quan trọng của hộ gia đình và cộng đồng góp phần giải quyết các vấn đề môi trường toàn cầu, Chương trình phát triển của LHQ (UNDP) khởi xướng Chương trình tài trợ các dự án nhỏ của Quỹ môi trường toàn cầu (GEF SGP) vào năm 1992. GEF SGP tài trợ cho các tổ chức cộng đồng (CBO) và các tổ chức phi chính phủ địa phương (NGO) trên cơ sở áp dụng các giải pháp phù hợp với điều kiện của từng địa phương để giải quyết những vấn đề môi trường của địa phương trong các lĩnh vực trọng tâm của GEF. Tiền đề cho hoạt động của GEF SGP là người dân sẽ có đủ khả năng bảo vệ môi trường khi họ hành động có tổ chức, có biện pháp kiểm soát việc sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên, được cung cấp những kiến thức và thông tin cần thiết và nhận thức được rằng cuộc sống kinh tế và xã hội của họ tuỳ thuộc vào quản lý và sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Tuy nhiên, GEF SGP không đơn giản chỉ là một chương trình tài trợ cho những dự án nhỏ nhằm nâng cao chất lượng môi trường ở địa phương. Thông qua việc nâng cao nhận thức của quần chúng, xây dựng quan hệ đối tác và tăng cường đối thoại về các vấn đề chính sách, GEF SGP nhằm mục đích xây dựng môi trường thuận lợi trong phạm vi từng nước để góp phần đạt được sự phát triển bền vững và giải quyết các vấn đề môi trường toàn cầu. GEF SGP Việt Nam triển khai từ năm 1999. Hầu hết các dự án thuộc các lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH), giảm thiểu và thích ứng với BĐKH, và ngăn ngừa THĐ&HMH. Khoảng 68% các dự án tập trung ở duyên hải miền Trung, và 32% ở các khu vực khác trong cả nước, chủ yếu là các địa phương thuộc Đông Bắc Bắc Bộ. Các tổ chức tiếp nhận viện trợ là các tổ chức NGOs địa phương (các tổ chức xã hội nghề nghiệp như Hội khoa học kỹ thuật lâm nghiệp, Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường, Hội nghề cá,…), chiếm 58% và các tổ chức cộng đồng (Hội nông dân, Hội Phụ nữ, …) chiếm 42%. Hầu hết các dự án có mục tiêu xây dựng mô hình trình diễn thử nghiệm các chiến lược, các kỹ thuật nhằm giải quyết các vấn đề môi trường và sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên dựa trên phương pháp tiếp cận cộng đồng. Các dự án chú trọng mục tiêu xây dựng năng lực cho cộng đồng và người dân địa phương. Kết quả đánh giá cho thấy tỷ lệ các dự án đạt mục tiêu đã đề ra rất cao, đạt 90% các dự án đã triển khai, với tỷ kệ giải ngân cao (90-95%) và kết quả tốt. Với nguồn lực nhỏ (50.000USD/dự án), nhưng kết quả của các dự án SGP đã có sức lan toả lớn, trong đó có nhiều dự án đã được nhân rộng với nguồn lực của các nhà tài trợ khác cũng như của các chương trình của chính phủ. Chính quyền và ban ngành của nhiều địa phương đã đánh giá cao kết quả mà các dự án SGP đã đóng góp. Việc thực hiện các dự án SGP góp phần đáng kể xây dựng năng lực và tăng cường uy tín của các tổ chức xã hội dân sự. Qua gần 15 năm triển khai tại Việt Nam, SGP là một trong số rất ít chương trình tài trợ hiệu quả ở Việt Nam trong việc hỗ trợ cho các tổ chức xã hội dân sự và tổ chức cộng đồng nguồn lực để thực hiện các dự án/hoạt động cộng đồng trong bảo vệ môi trường và phát triển sinh kế bền vững dựa vào quản lý và sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên. Đặc biệt, với cơ chế tài trợ nhanh chóng, thân thiện, công khai và minh bạch, trong chu kỳ GEF 4 (2007-2010), SGP Việt Nam đã tài trợ 57 dự án cho các tổ chức xã hội dân sự và tổ chức cộng đồng tại Việt Nam. Tính đến tháng 9/2014, SGP Việt Nam đã tài trợ cho tổng số 125 dự án, thực hiện trên 101 xã của 40 tỉnh trên khắp cả nước. Các mục tiêu chính của GEF SGP Các lĩnh vực trọng tâm của GEF SGP Sự tham gia của các bên có liên quan Bộ phận quản lý chương trình ở cấp toàn cầu (CPMT (UNDP New York)/UNOPS) Ở cấp toàn cầu, CPMT/UNDP New York và UNOPS/NAO – New York chỉ đạo việc thực hiện theo cơ chế đã được Hội đồng/Ban Thư ký GEF phê duyệt. CPMT/UNOPS hỗ trợ SGP Việt Nam các vấn đề kỹ thuật có liên quan trong thực hiện, tìm kiếm các nguồn lực từ các nhà tài trợ khác để đáp ứng yêu cầu đồng tài trợ của GEF cũng như bổ sung thêm nguồn lực tài trợ cho SGP Việt Nam, đúc kết các bài học kinh nghiệm, quảng bá kết quả, và tiến hành các đánh giá độc lập, kiểm toán. SGP Việt Nam có trách nhiệm báo cáo hoạt động cho CPMT và UNOPS. Ở cấp quốc gia, SGP Việt Nam có sự tham gia của Ban Chỉ đạo quốc gia (BCĐQG), Ban thư ký SGP Việt Nam, Văn phòng UNDP Việt Nam và GEF Việt Nam. Ban Chỉ đạo quốc gia (BCĐQG) Trên nguyên tắc phân cấp và phát huy quyền làm chủ của quốc gia, BCĐQG có trách nhiệm quyết định các hoạt động của SGP Việt Nam, bao gồm định hướng các chiến lược, các ưu tiên cho hoạt động của chương trình, xét duyệt dự án, tư vấn kỹ thuật cho Văn phòng SGP và dự án, theo dõi và đánh giá kết quả dự án tại địa phương, đúc kết bài học kinh nghiệm, quảng bá kết quả của SGP. BCĐQG bao gồm các chuyên gia có chuyên môn trong các lĩnh vực ưu tiên của GEF, tâm huyết với hoạt động cộng đồng, và có quan hệ mạng lưới rộng rãi trong lĩnh vực chuyên môn. BCĐQG có các đại diện của các cơ quan chính phủ, các tổ chức xã hội dân sự, các cơ quan hàn lâm. Các thành viên BCĐQG có sự phê chuẩn của CPMT/UNOPS và sự bổ nhiệm của Văn phòng UNDP Việt Nam. Văn phòng SGP Việt Nam Văn phòng SGP Việt Nam có 01 điều phối viên (ĐPV) và 01 trợ lý, có trách nhiệm điều phối các hoạt động của SGP theo quyết định của BCĐQG và kế hoạch hàng năm được duyệt. Các hoạt động chính của Văn phòng SGP Việt Nam là phổ biến thông tin về SGP, tổ chức công tác xét duyệt dự án, hỗ trợ kỹ thuật và giám sát việc thực hiện các dự án, xây dựng năng lực cho các đối tác thông qua tổ chức các lớp tập huấn, các hội thảo, tham quan chia sẻ kinh nghiệm. Điều phối viên (ĐPV) là đầu mối cho mọi hoạt động của SGP tại Việt Nam, có trách nhiệm báo cáo cho CPMT/UNOPS, BCĐQG, UNDP Việt Nam và GEF Việt Nam/Bộ tài nguyên và môi trường (MONRE). Văn phòng UNDP Việt Nam Văn phòng UNDP Việt Nam hỗ trợ SGP Việt Nam trong việc phát triển quan hệ hợp tác với các cơ quan Chính phủ ở cấp trung ương, chính quyền các địa phương trong thực hiện SGP tại Việt Nam. Văn phòng UNDP Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi cho sự hợp tác của SGP với các dự án có liên quan của UNDP Việt Nam nhằm nhân rộng và nâng cấp các kết quả của SGP. Văn phòng UNDP Việt Nam hỗ trợ truyền thông và quảng bá kết quả cũng như quảng bá cơ chế tài trợ của SGP nhằm tìm kiếm các nguồn lực từ các nhà tài trợ khác để tăng cường nguồn lực cho các hoạt động cộng đồng tham gia thực hiện bảo vệ môi trường tại Việt Nam. UNDP Việt Nam bổ nhiệm thành viên BCĐQG căn cứ vào đề xuất của Văn phòng SGP Việt Nam trên cơ sở có sự phê chuẩn của CPMT. Đại diện UNDP Việt Nam tham gia thành viên BCĐQG. GEF Việt Nam/Bộ tài nguyên và môi trường (MONRE) GEF Việt Nam phân bổ kinh phí từ STAR (nguồn kinh phí GEF phân bổ cho Việt Nam trong GEF 5) cho hoạt động tài trợ của SGP Việt Nam trong GEF 5. GEF Việt Nam có đại diện tham gia trong thành phần BCĐQG của SGP Việt Nam, định hướng cho các mục tiêu và chiến lược thực hiện chương trình. SGP Việt Nam có trách nhiệm báo cáo kết quả thực hiện hàng năm cho GEF Việt Nam, tổ chức cuộc họp rút kinh nghiệm hàng năm và các cuộc viếng thăm dự án, đánh giá giữa kỳ/cuối kỳ với sự tham gia của GEF Việt Nam. GEF Việt Nam tham gia đánh giá kết quả của các dự án và chương trình SGP nhằm đúc rút các vấn đề có liên quan về chính sách quản lý môi trường và tài nguyên ở cấp cộng đồng. GEF Việt Nam hỗ trợ quảng bá cho kết quả của các dự án SGP và khuyến nghị SGP cơ chế được sử dụng để thực hiện các nội dung mô hình trình diễn ở cấp cộng đồng trong các dự án trung bình, dự án lớn của GEF khi có mục tiêu phù hợp. GEF Việt Nam hỗ trợ thúc đẩy sự hợp tác giữa SGP Việt Nam với các chương trình môi trường của Chính phủ có sự tham gia của các tổ chức xã hội dân sự, các tổ chức cộng đồng trong hợp tác với Mặt trận Tổ quốc và VUSTA. GEF Việt Nam phối hợp với SGP Việt Nam để đánh giá, đúc kết cơ chế tài trợ của SGP nhằm quảng bá cho cơ chế tài trợ các hoạt động cộng đồng trong bảo vệ môi trường cũng như xác định một cơ chế phù hợp và bền vững cho SGP trong những giai đoạn tiếp theo. Địa chỉ liên hệ |
- THÔNG TƯ 09/2012/TT-BXD - QUY ĐỊNH SỬ DỤNG VẬT LIỆU XÂY KHÔNG NUNG (09.05.2017)
- QUYẾT ĐỊNH 567/QĐ-TTG - CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN VẬT LIỆU XÂY KHÔNG NUNG (09.05.2017)
- CHỈ THỊ 10/CT-TTG - TĂNG CƯỜNG SỬ DỤNG VẬT LIỆU XÂY KHÔNG NUNG (09.05.2017)
- NGHỊ ĐỊNH Về doanh nghiệp khoa học và công nghệ (09.05.2017)